Subscribe:
Được tạo bởi Blogger.

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Hải quân Mỹ lập kế hoạch níu giữ ngôi vương

Tăng cường sức mạnh để duy trì tầm ảnh hưởng và không bị lép vế trước các đối thủ trong tương lai là một mục tiêu quan trọng của hải quân Mỹ vào lúc này.

hai-quan-my-lap-ke-hoach-niu-giu-ngoi-vuong
Bên trên một tàu sân bay của hải quân Mỹ. Ảnh: AFP
Đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Mỹ, hôm 5 /1đề xuất một bản kế hoạch mới, vạch ra các phương pháp tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân nhằm đối phó với sự trỗi dậy nhanh chóng trên biển của các đối thủ, tiêu biểu là Nga và Trung Quốc, theo National Interest.
"Bản hướng dẫn này liệt kê những vấn đề của lực lượng hải quân đi kèm các cách giải quyết tương ứng nhưng cần lưu ý rằng vẫn thiếu sự chắc chắn cố hữu, cơ bản đối với cả định nghĩa vấn đề và giải pháp đề xuất", ông Richardson cho hay. "Trên con đường phát triển, chúng ta phải tôn trọng một sự thật là chúng ta không hoàn hảo. Và vì thế, chúng ta sẽ phải tự theo dõi và đánh giá bản thân cũng như môi trường xung quanh".
Đề cương của ông Richardson tập trung miêu tả môi trường chiến lược hiện tại và tương lai, đồng thời định ra 4 lĩnh vực mà hải quân Mỹ cần chú trọng, gồm: củng cố sức mạnh trên biển, đạt tốc độ học hỏi, tiếp thu cao, kiện toàn lực lượng để chuẩn bị cho tương lai, và mở rộng mạng lưới đối tác.
Theo ông Richardson, môi trường chiến lược của hải quân Mỹ những năm gần đây đang biến đổi nhanh chóng nhưng những nguyên tắc cơ bản về sức mạnh trên biển do chiến lược gia Alfred Thayer Mahan đề ra từ thế kỷ 19 vẫn còn nguyên giá trị.
"Lợi ích của Mỹ nằm ở bên ngoài bờ biển của chúng ta. Thành công của Mỹ phụ thuộc vào sự sáng tạo, động lực khởi nghiệp, khả năng tiếp cận cùng những mối quan hệ ở nước ngoài. Trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, thành công của nước Mỹ còn trông cậy nhiều hơn vào hải quân", đề cương có đoạn.
Theo đó, có ba nhân tố khiến môi trường thay đổi. Đầu tiên là hệ thống hàng hải truyền thống, gồm các tuyến đường trên mặt biển và cả dưới đáy biển. Nhân tố thứ hai là hệ thống thông tin toàn cầu, gồm những dữ liệu được lưu thông trên các máy chủ, đường cáp ngầm, vệ tinh, mạng không dây. Nhân tố cuối cùng là tốc độ tăng trưởng phi mã của ngành sáng tạo công nghệ và ứng dụng.
"Ba nhân tố kể trên và sự tương tác giữa chúng ảnh hưởng sâu sắc tới hải quân Mỹ", ông Richardson cho hay.
Khác với những gì diễn ra 25 năm trước, hải quân Mỹ ngày nay phải đối mặt với rất nhiều thách thức trên biển. Moscow và Bắc Kinh đang dần thu hẹp khoảng cách về sức mạnh với Washington, vì thế hải quân Mỹ cần chuyển mình để giữ vững lợi thế.
"Nga và Trung Quốc đều chú trọng vào việc nâng cao năng lực quân sự để có thể trở thành những cường quốc toàn cầu. Mục tiêu của họ được hỗ trợ bởi một kho vũ khí không ngừng gia tăng về số lượng cũng như khả năng chiến đấu. Rất nhiều trong số này tập trung khai thác chính xác các điểm yếu của chúng ta, đồng thời được xây dựng trên nền tảng tận dụng tối đa hệ thống hàng hải, công nghệ và thông tin", ông Richardson nói. "Họ liên tục phát triển và đưa ra các loại vũ khí có độ chính xác, tầm bắn và khả năng phá hủy ngày càng cao".
"Hải quân Nga đang hoạt động với một cường độ và phạm vi chưa từng thấy suốt gần hai thập kỷ qua, trong khi hải quân Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới", ông cho biết thêm. Song, ngoài Trung Quốc hay Nga, mối đe dọa đối với Mỹ còn đến từ các nước như Triều Tiên hay Iran, những quốc gia đã tiếp cận được các công nghệ tiên tiến có khả năng thách thức vị thế tối cao của hải quân Mỹ.
Để đối phó, hải quân Mỹ hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả trong công tác huấn luyện, đào tạo cũng như khả năng phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan, lực lượng vũ trang khác nhau.
Theo bản đề cương, duy trì và hiện đại hóa năng lực chiến đấu dưới đáy biển, một trong ba cột trụ răn đe chiến lược, là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng, quyết định sự sống còn của quốc gia.
Phát triển những cơ chế và khả năng mới để cung cấp thêm nhiều lựa chọn hơn cho giới lãnh đạo là một yêu cầu cấp thiết. Hoạt động của hải quân nên nhắm tới việc hạn chế, đồng thời kiểm soát căng thẳng leo thang theo hướng có lợi cho Mỹ. Bên cạnh đó, chiến tranh thông tin cũng là một lĩnh vực cần quan tâm, đầu tư nhiều nguồn lực.
Nhằm mang đến khả năng sáng tạo, phản ứng nhanh nhạy và tầm nhìn xa cho các cá nhân, đội ngũ, tổ chức trực thuộc, lực lượng hải quân cũng cần chú trọng sử dụng các công nghệ, thiết bị mô phỏng, phân tích hay những công cụ hướng giáo dục, ông Richardson đề xuất.
Để đáp ứng yêu cầu chiến đấu ngày càng cao, hải quân Mỹ còn cần nỗ lực tìm cách xây dựng thêm các cấu trúc hạm đội thay thế, thông qua việc khai phá những nền tảng và đội hình hải quân mới.
Xây dựng các chương trình định hướng, phát triển nghề nghiệp hải quân sẽ góp phần nâng cao sự gắn bó và thúc đẩy các binh sĩ cống hiến. Những chương trình phát triển lãnh đạo cần được áp dụng sớm, dựa trên đặc điểm của từng cá nhân cũng như sự gắn kết với các giá cốt lõi của hải quân.
Theo ông Richardson, mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế thông qua việc chia sẻ thông tin, tìm kiếm những sáng kiến tương tác mới hay tham gia các hoạt động chung với đối tác và đồng minh cũng là một trong những cách hiệu quả để tăng cường năng lực hải quân.
Sự trao đổi và phối hợp nhuần nhuyễn giữa hải quân với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức tư nhân cùng những đơn vị có liên quan thuộc các ngành khác nhau cũng sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và sức mạnh của lực lượng.

IS bế quan tỏa cảng ngăn dân chúng tháo chạy

Tịch thu hộ chiếu, cấm phụ nữ trẻ và thiếu niên rời thành phố, phong tỏa các tuyến đường huyết mạch, IS làm mọi cách để ngăn dòng người tháo chạy khỏi địa bàn.

is-be-quan-toa-cang-ngan-dan-chung-thao-chay
Cư dân tại Raqqa, thành trì của IS tại Syria. Ảnh: Reuters
Theo những cư dân địa phương, các phần tử nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đang thắt chặt an ninh dọc theo ranh giới địa bàn của nhóm để ngăn cản người dân bỏ trốn. Nhóm này còn canh gác cẩn mật hơn tại những khu vực tập trung đông dân cư nhất.
Những người sống tại thành phố Raqqa, Syria, nơi được xem như thành trì của IS buộc phải đăng ký tên tuổi với nhóm. Ngoài ra, nhóm này còn ban hành những lệnh cấm, quy định rõ những gì người dân được mang vào hoặc đưa ra khỏi các thành phố IS kiểm soát. Phụ nữ không được phép đi đâu mà không có họ hàng là nam giới đi cùng.
"Việc rời khỏi thành phố giờ thực sự rất khó khăn", Business Insider dẫn lời Abu Ibrahim al-Raqqawi, một nhà hoạt động trong nhóm có tên Raqqa âm thầm bị tàn sát (RBSS), cho biết. "Vấn đề không phải ở chỗ làm sao để tới Raqqa, mà là làm thế nào để ra khỏi đó".
Raqqa là đầu não hoạt động của IS tại Trung Đông. Raqqawi cho biết anh vẫn di chuyển ra vào thành phố này với sự giúp sức của những kẻ buôn người. Gia đình anh hiện còn ở lại Raqqa.
Theo Raqqawi, IS đã tịch thu hộ chiếu của người dân để khiến họ khó di chuyển, và buộc tất cả phải tới đăng ký tên tuổi với các chiến binh nhằm dễ bề quản lý.
"Họ không cho phép phụ nữ dưới 45 tuổi rời thành phố, và nam giới dưới 19 tuổi cũng không được ra đi", Raqqawi cho biết. "Sau khi IS ra thông báo rằng 'chúng tôi muốn có danh dách mọi cậu bé trong thành phố từ 14 tuổi trở lên', người dân rất sợ việc tuyển mộ, và muốn rời đi".
Một người đàn ông Syria đến từ thành phố Deir Ezzor có tên Fikram cho biết, ngay cả một số khu vực của chính phủ "cũng đang bị IS bao vây để người dân không thể thoát ra, trừ những tình huống đặc biệt".
"Khu vực do IS kiểm soát có một con đường mà người dân có thể đến và đi, nhưng họ chỉ mở đường đó vào những ngày và giờ nhất định", Fikram nói. "Ngoài ra, người dân cũng không được di chuyển đồ đạc cá nhân khỏi thành phố, ví dụ như đồ nội thất trong nhà".
IS lâu nay vẫn áp đặt các quy định về việc những ai có thể rời khỏi lãnh địa nhóm kiểm soát. Ali Leili, một thành viên trong nhóm hoạt động D'Arezzo, chia sẻ về những quy định tại thành phố Deir Ezzor.
"Đôi khi mọi người được phép tới Damascus để chữa bệnh, nhưng trước đó họ phải viết một cam kết rằng sẽ trở về Deir Ezzor sau khi quá trình điều trị kết thúc", Leili nói. Quy định tương tự cũng được ghi nhận tại các thành phố khác.
Tại Mosul, IS yêu cầu bất kỳ ai rời khỏi thành phố phải cung cấp cho các tay súng tên của những người họ hàng có thể cam đoan rằng họ sẽ trở về, New York Times đưa tin. Nếu người đó không trở về, những người họ hàng có thể bị bắt.
Lách luật
Những cấm đoán này khiến người dân phải vận dụng những biện pháp khác thường để có thể rời đi.
"Hàng trăm cư dân Deir Ezzor và đặc biệt là những người trẻ tuổi đã rời khỏi tỉnh này theo các tuyến đường buôn lậu bí mật, sang Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là châu Âu. Một vài người trong số đó có thể vẫn còn ở lại Thổ Nhĩ Kỳ", Leili cho biết. "Mọi người đều bỏ chạy bởi cảnh địa ngục họ chứng kiến tại tỉnh này, do sự xâm phạm và thắt chặt kiểm soát của IS đối với cư dân".
Theo New York Times, hoạt động đưa người bí mật trốn đi giờ trở thành một ngành "công nghiệp" nở rộ. Các tuyến đường đến và đi khỏi Raqqa vẫn hầu như được mở, nhưng mọi người phải trông cậy vào những kẻ buôn lậu, để có được giấy chứng minh giả và đưa họ qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Những người khác thì dựa vào chính các tay súng IS để giúp họ trốn chạy. Một phụ nữ lớn lên tại Raqqa và bị ép gia nhập IS sau khi nhóm này chiếm đóng thành phố đã nhờ một người bạn trong hàng ngũ nhóm để giúp mình và người anh em họ thoát ra ngoài. Tay súng đó đã đưa được họ qua các chốt kiểm soát của IS êm xuôi.
Những tài liệu tuyên truyền được IS tung ra mới đây cho thấy nhóm này đặc biệt lo ngại về tình trạng người dân bỏ chạy, cũng như những tổn thất việc này có thể gây ra cho "thanh thế" của tổ chức.
Hồi tháng 9, IS tung ra các video tuyên truyền, nhắm tới những người di cư, kêu gọi họ hãy tới và gia nhập, thay vì bỏ chạy tới châu Âu như những "kẻ ngoại đạo". Đoạn video có mục đích củng cố hình ảnh "nhà nước" của IS như một nơi sống lý tưởng, và nhấn mạnh những hiểm nguy người tị nạn phải đối mặt trên hành trình tới các nước châu Âu.
"Nhóm tuyên bố đã tạo ra miền đất lý tưởng cho người Hồi giáo, thế nhưng người Hồi giáo lại lũ lượt bỏ chạy", Daveed Gartenstein-Ross, một nhà phân tích chống khủng bố tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ bình luận. "Một nhà nước thực sự lẽ ra phải có khả năng cung cấp dịch vụ cho cư dân của mình".